Kho báu tốt nhất của loài người theo lời Phật dạy
Thiền Sư U Revata Sayadaw
Ngày 09/04/2025
Lời Phật dạy

Đức Phật tuyên bố: “Lòng tin là kho báu tốt nhất của loài người”.

“Sau khi được địa vị làm người, đạt được lòng tin nơi Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, này các tỷ-kheo, đây là ý nghĩa “nhận những lợi ích tốt lành nên nhận lấy".

Để chia sẻ việc có được lòng tin nơi Pháp và Luật quan trọng ra sao, hãy để tôi trích dẫn câu kệ của Đức Phật có trong Kinh Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikāya). Đức Phật dạy:

Tín là bạn loài Người

Nếu không trú bất tín,

Được danh dự, xưng tán,

Sau khi bỏ thân này,

Được sanh lên Thiên giới.

Con người có nhiều loại bạn đồng hành khác nhau như: thầy cô giáo, bạn bè, vợ, chồng, con cái, người bảo hộ... Họ không phải là những người đồng hành thực sự của ta. Họ chỉ tạm thời đi cùng với chúng ta, không phải là mãi mãi. Những người đồng hành này không thể theo ta khi ta chết. Cái đi theo ta khi ta rời bỏ thân xác này là người bạn đồng hành có tên là “Lòng Tin”. Bởi vì có lòng tin mà chúng ta thực hiện thiện nghiệp như bố thí cúng dường (dāna), giữ giới, tiến hành tu tập thiền. Theo cách ấy, danh xưng và tiếng tốt đến với chúng ta, và khi ta rời bỏ thân xác này, ta sẽ đến cõi lành.

Đức Phật tuyên bố: “Lòng tin là kho báu tốt nhất của loài người”.

Tất cả các của cải tích lũy được như vàng, tiền bạc, trang sức và bất kỳ người nào hay đồ vật nào mà một người xem là có giá trị thì được định nghĩa là “báu vật”. Nhưng các loài hữu tình và vật vô tri thì thực sự không phải là báu vật tốt nhất của một người.

Khi ta chết, ta phải lìa bỏ tất cả chúng lại phía sau. Với lòng tin nơi Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng, và tin nơi nghiệp (kamma) và quả của nghiệp, chúng ta làm các nghiệp thiện như bố thí cúng dường (dāna), giữ giới, và thực hành thiền. Hiểu biết về lợi ích do các hành động này mang lại, chúng ta biết rằng đó chính là báu vật của con người.

Do vậy, người trí đầu tư cả sức lực lẫn của cải tích lũy được vào cánh đồng màu mỡ là Đức Phật, Đức Pháp và Đức Tăng. Làm như vậy, quả báo thiện lành sẽ theo chúng ta như bóng với hình, và chúng ta có thể mang theo chúng khi chúng ta lìa bỏ thân xác này. Đó là lý do tại sao Đức Phật dạy “Lòng tin là kho báu tốt nhất của loài người”.

Kho báu tốt nhất của loài người theo lời Phật dạy  1
Tất cả các thiện nghiệp đều có nguồn gốc từ “Lòng tin”. 

“Lòng tin đảm bảo tư lương cho chuyến du hành”.

Bất kỳ khi nào chúng ta bắt đầu một chuyến du hành, chúng ta đều cần các sự chuẩn bị khác nhau: thức ăn, nước uống, xe cộ, tiền bạc cho các phí tổn du hành v.v. Chuyến du hành càng dài, càng nhiều thứ tư lương mà chúng ta cần phải mang theo. Nếu ta thiếu bất kỳ thứ tư lương nào và sự thiếu thốn này kéo dài, chuyến du hành của chúng ta trở nên lâu lắc và khó khăn. Theo cách tương tự, khi chúng ta bắt đầu chuyển hành trình đến Niết-bàn (Nibbāna), nơi mà tất cả các khổ đau đều bị tận diệt, chúng ta cần các loại tư lương thích hợp. Cách thức mà chúng ta mang chúng theo là bằng cách tích lũy các thiện nghiệp.

Tất cả các thiện nghiệp đều có nguồn gốc từ “Lòng Tin”: Lòng tin nơi Đức Phật, Đức Pháp và Đức Tăng, và lòng tin ở nơi nghiệp (kamma) và quả của nghiệp. Nếu sự thiếu thốn một trong các lòng tin này kéo dài, chúng ta sẽ bị thiếu tư lương cần thiết cho chuyến du hành đến Niết-bàn (Nibbāna).

Chúng ta hãy xem xét vấn đề này từ khía cạnh khác.

Khi chúng tôi dạy thiền Niệm Hơi Thở, chúng tôi thấy rằng có một số thiền sinh tiến bộ rất nhanh chóng, một số thì chậm chạp và một số khác nữa thì không thể tiến bộ. Chúng tôi biết rằng nhờ sự tu tập ở quá khứ, có những thiền sinh tiến bộ rất nhanh chóng. Khi họ có thể hiểu “Duyên Sinh” có nghĩa là thấy rõ các nhân và các quả, họ thấy rõ rằng họ đã thực hành Niệm Hơi Thở trong các kiếp quá khứ. Họ biết rằng họ đã trau dồi các tư lương cho phép họ phát triển định một cách nhanh chóng ở kiếp này.

Cũng vậy, khi một số thiền sinh bắt đầu tu tập biết và thấy danh và sắc chân đế, việc thực hành đến với họ một cách trơn tru; số khác thì gặp các khó khăn. Điều này cũng bởi sự tu tập ở quá khứ của họ. Những gì họ đã tích lũy ở quá khứ nhờ vào lòng tin là kho báu mà giờ đây họ đem theo bên mình như là các tư lương cho chuyến du hành đến Niết-Bàn (Nibbāna). Bởi vì điều này, họ biết và thấy Pháp như chúng thực sự là.

Có một số thiền sinh đã thực hành thiền minh sát sâu sắc trong các kiếp quá khứ. Những thiền sinh này đạt tiến bộ nhanh chóng. Họ có thể nhanh chóng chứng đạt Niết-bàn ngay trong kiếp hiện tại này bằng việc tu tập thiền vắng lặng và thiền minh sát.

Tất cả các thiện nghiệp mà chúng ta đã thực hiện, được góp nhặt làm các tư lương đúng đắn và thích hợp đều là nhờ vào “Lòng Tin”. Bởi vì điều này, Đức Phật tuyên bố “Lòng tin đảm bảo tư lương cho chuyến du hành”.

“Lòng tin là hạt giống”

Chúng ta gặt hái những gì chúng ta gieo trồng. Nếu chúng ta gieo hạt giống thiện như cúng dường (dāna), giữ giới và hành thiền với lòng tin vào Đức Phật, Đức Pháp và Đức Tăng, chúng sẽ trổ các quả đáng mong ước là sống lâu, sắc đẹp, giàu sang, an vui, danh tiếng và sức mạnh một khi chúng ta được tái sanh lại giữa nhân loại và chư thiên. Chúng sẽ giúp chúng ta biết và thấy Niết-bàn. Vì thế, hạt giống lòng tin nơi Đức Phật, Đức Pháp và Đức Tăng phải được gieo trồng để sanh quả gọi là Niết-bàn.

“Nhờ lòng tin người ta vượt qua cơn lũ".

Thật là khó để vượt qua cơn lũ luân hồi (samsāra). Mặc dù chúng ta biết rằng không thể vượt qua cơn lũ có tên gọi là vòng luân hồi trên một chiếc thuyền, nhưng với lòng tin ta có thể vượt qua cơn lũ rất khó vượt qua này. Nếu lòng tin được thiết lập tốt, thế giới loài người thật sự là cõi lành. Ở đây, hầu hết chúng ta có thể dễ dàng “nhận những lợi ích tốt lành nên nhận lấy”. Nếu chúng ta không thể nhận lấy thì chúng ta đã đến cõi lành trong sự vô ích.

Khi lòng tin được vững chắc, được bám rễ chắc chắn, được thiết lập vững chãi, không để bị hủy diệt bởi bất cứ sa môn, bà-la-môn, Thiên nhân, Ác ma (Māra), phạm thiên nào hay bất cứ ai ở đời: đây chính là ý nghĩa mà chư thiên muốn nói tới việc trở thành “khéo an trú”.

Khi một người chứng ngộ Niết-bàn với Đạo Trí và Quả Trí, không một ai trên thế gian có thể tiêu diệt lòng tin của vị đó; không ai có khả năng lấy đi trí tuệ đó hoặc làm vị ấy thay đổi. Với Đạo Trí và Quả Trí đầu tiên, lòng tin vào Đức Phật, Đức Pháp và Đức Tăng trở nên bất động. Lòng tin của vị ấy được gọi là “khéo an trú”.

Trích “Thức tỉnh đi, thế gian ơi!”.

Theo Cổng thông tin Phật giáo

Nhận thông tin