Là hiện thân của trí tuệ, đức hạnh và lòng từ bi, tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn có tổng chiều cao 72m, được tạo tác từ 170 tấn đồng đỏ theo kỹ thuật công nghệ gia công cơ khí áp lực cao của Châu Âu.
Năm 2020, tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn xác lập kỷ lục "Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất châu Á tọa lạc trên đỉnh núi” và "Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Việt Nam tọa lạc trên đỉnh núi”.
Xung quanh Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn là bốn bức tượng Tứ Đại Thiên Vương bằng đồng uy vũ.
Nhìn từ trên xuống, Tượng Phật Bà tựa như đang ngự tọa trên một đài tháp được sắp xếp bởi những đĩa tròn khổng lồ. Từ những đĩa tròn này, thác nước đổ xuống, chảy tràn về 5 đĩa nước lớn được sắp đặt thấp dần về phía Đông.
Dưới chân Tượng Phật Bà là khối đế cao 4 tầng với lối kiến trúc đồng tâm có tổng diện tích lên tới 4,410 m2. Đây là trung tâm triển lãm Phật giáo với rất nhiều trải nghiệm tâm linh độc đáo.
Khu triển lãm
các tác phẩm Phật giáo
Khu triển lãm là không gian trưng bày 38 phiên bản mô phỏng những tác phẩm nghệ thuật Phật Giáo kinh điển, trong đó có nhiều pho tượng Phật được phóng tác theo nguyên bản đặc biệt nổi tiếng của Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc Nepal, Pakistan…
Tại đây, du khách cũng sẽ được khám phá những cổ vật trong kiến trúc Phật giáo bằng gỗ, đá có niên đại từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII. Tại đây có các cổ vật đặc biệt như tượng Sư tử đá chùa Hương Lãnh uy quyền và mềm mại với các chi tiết tỉ mỉ mang đặc trưng phong cách mỹ thuật thời Lý, hay Thành bậc đá Chương Sơn (Nam Định) thời Lý từ thế kỷ XI-XII tạc hình con cá sấu, đầu nghê, thân chạm hoa văn, đuôi dài sóng lượn.
Tôn tượng
Bồ Tát Di Lặc
Là tượng Bồ Tát Di Lặc bằng đá sa thạch lớn hàng đầu thế giới, tượng tái hiện hình ảnh Di Lặc Bồ Tát ở tư thế ngồi, với khuôn mặt hiền từ, nụ cười hoan hỉ, hình tướng mập mạp, cổ đeo tràng hạt.
Tượng có chiều cao 36 mét, chiều rộng lớn nhất 45m, diện tích bề mặt tượng 4.651m2, nặng 5.112 tấn, cổ đeo chuỗi Phật châu gồm 54 hạt. Tượng Phật được tạo hình theo một phương thức đặc biệt chưa từng có tại Việt Nam: ghép từ 6.688 viên đá sa thạch tự nhiên theo cảm hứng ruộng bậc thang. Mỗi viên đá sa thạch trung bình có chiều dài 100-120cm, cao bình quân 70cm, dày 50cm, và được xếp chồng lên nhau thành 54 lớp. Tổng khối lượng đá sa thạch được sử dụng để ghép nên bức tượng là 2.025m3.
Bao quanh Tượng Bồ Tát Di Lặc là Thác nước nhân tạo cao nhất Châu Á, với độ cao 35m, chiều rộng lớn nhất 90m. Bề mặt thác nước được chế tác thủ công bằng đất nung, sau đó tráng men đen nhánh, tạo những viên sỏi nhấp nhô trên bề mặt thác. Thác nước kết hợp với hệ thống đài phun nước sử dụng công nghệ tạo những đợt sóng trào độc đáo cùng nhiều dải ánh sáng ấn tượng làm nên một show nhạc nước đậm sắc màu thiền định.
Trung tâm chiếu phim
3D mapping
Trung tâm triển lãm Phật giáo rộng 534m2 là nơi trưng bày 83 tôn tượng và 83 tác phẩm nghệ thuật Phật giáo, với tâm điểm là bức tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay.
Hành lang đi vào Trung tâm triển lãm cũng là nơi trưng bày 35 tác phẩm nghệ thuật.
Điểm nhấn của Trung tâm triển lãm là mái vòm chiếu phim 3D mapping với các thiết bị trình chiếu, âm thanh hiện đại hàng đầu thế giới. Tại đây, hình ảnh và sự vận động của vũ trụ được tái hiện đầy sinh động trên màn hình mái vòm với đường kính 20 mét, độ phân giải Dome lên tới 16 triệu pixel (tương đương với 26 triệu pixel của màn ảnh thông thường).
Khu trưng bày mô hình chùa cổ bằng công nghệ 3D Hologram
3D hologram là công nghệ tạo ra một ảnh ba chiều lơ lửng trong không khí, giúp người xem quan sát hình ảnh nổi 360 độ mà không cần sử dụng màn chiếu hay kính đeo chuyên dụng. Hình ảnh chiếu nổi như vật thể lơ lửng trong không trung, tạo hiệu ứng thị giác độc đáo.
Tại đây có 16 thiết bị trình chiếu Hologram hiện đại, giúp du khách có thể chiêm ngưỡng mô hình 16 ngôi chùa nổi tiếng tại Việt Nam có niên đại từ 200 năm. Đây là các ngôi chùa lưu giữ lối kiến trúc cổ, các hiện vật cổ giá trị, có khuôn viên đẹp, nổi tiếng và được chứng nhận là di tích Quốc gia.
Trụ kinh Bát Nhã
Không gian của cụm trụ kinh Bát nhã rộng 12.000 m2, nơi có cụm 5 trụ kinh bằng đá granite đen kim sa, điêu khắc tâm kinh Bát Nhã bằng chữ Tây Tạng, trong đó, trụ kinh lớn nhất có đường kính 2m và cao 19,8m, 4 trụ nhỏ đường kính 1,6m, cao 9m. Đặc biệt, 12.000 chữ kinh đều được dát vàng.
Với người tu hành, kinh Bát Nhã là ngọn đuốc soi sáng con đường giác ngộ. Trụ kinh uy nghi từ lòng núi thiêng Bà Đen vươn tới trời cao như hướng tới sự thông tuệ, truyền tải ý nghĩa lớn lao của con đường giác ngộ. Chiêm bái trụ kinh Bát Nhã cũng là hành trình mở mang trí tuệ, định tâm, để có được công đức, sự may mắn, bình an.
Trụ Kinh Luân
Không gian lưu giữ Trụ Kinh Luân có tổng số 15 Trụ Kinh Luân được làm bằng đồng và 75 khối xoay.
Trụ Kinh Luân (bánh xe cầu nguyện) là một loại pháp khí được tín đồ Phật giáo Tây Tạng sử dụng cho việc hành trì tụng niệm. Với kết cấu hình trụ, Trụ Kinh Luân có vỏ chạm khắc thần chú Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn cùng các biểu tượng Tam muội da của Chư Phật hoặc các biểu tượng cát tường. Chính giữa có một trục giúp trụ kinh luân có thể xoay.
Người cầu nguyện sẽ vừa xoay bánh xe Kinh Luân vừa tụng niệm thần chú Om Mani Padme Hum, nhằm ca tụng và ghi nhớ hồng danh Chư Phật. Bánh xe Kinh Luân có thể quay như một cách tạo công đức vô lượng một cách đơn giản nhất, chỉ cần chạm vào bánh xe cầu nguyện đã là một sự tịnh hóa to lớn trong việc xóa bỏ nghiệp chướng.
Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
"Xá lị" là phiên âm của từ "sarira" trong tiếng Phạn, nghĩa đen là “những hạt cứng”. Theo ghi chép trong lịch sử Phật giáo, khi Phật tổ Thích Ca Mâu Ni viên tịch, các tín đồ đã đem thi hài Ngài đi hỏa táng. Sau khi lửa tàn, họ phát hiện trong tro cốt có rất nhiều tinh thể trong suốt như kim cương bất hoại, hình dạng và kích thước khác nhau, lóng lánh và tỏa ra những tia sáng muôn màu tựa những viên ngọc quý. Đó chính là xá lị (xá lợi), là bảo vật của Phật giáo.
Ngày 2/6/2023, đúng dịp đại lễ Phật Đản, Phật lịch 2567, đỉnh núi Bà Đen có hồng phước được cung nghinh ngọc xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đây là ngọc xá lợi của Đức Phật do Liên đoàn Phật giáo thế giới tại Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ trao tặng Việt Nam vào năm 2014.
Với các Phật tử, nơi nào có sự hiện diện của Ngọc xá lợi Phật, nơi đó sẽ được nhận nhiều lợi lạc, an yên và nhiều phép màu nhiệm.
Vườn Vô Ngã
Vườn Vô Ngã có diện tích 1.500 m2 được thiết kế theo phong cách vườn bonsai Nhật Bản là nơi để khách đi dạo, ngồi nghỉ ngơi và tĩnh tâm sau hành trình tham quan núi Bà Đen.
Khu vườn được thiết kế từ các vật liệu địa phương, dựa vào thiên nhiên và lấy thiên nhiên làm gốc, cùng nhiều chi tiết độc đáo như đá núi kết hợp với tượng gốm chú tiểu, cây bon sai, cây bụi…
Tổng thể vườn gồm cụm tiểu cảnh hồ vô cực với 3 hồ nước phân tầng với 9 bậc thác nước lớn nhỏ chảy tuần hoàn và hệ thống cổng vòm lấy cảm hứng từ 5 chiếc lá bồ đề, được trồng từ cây và hoa. Khu vườn hiện có 50 cây bonsai với hình dạng độc đáo. Điểm nhấn trong khu vườn là tiểu cảnh mặt trăng cao 5m trên hồ nước, hiện là tiểu cảnh mặt trăng cao nhất của tỉnh
Cầu Ước
Cầu Ước hình bán nguyệt, dài 90m, rộng 15m, được lát gạch phủ men kim loại ánh vàng tạo hình vân mây, tượng trưng cho phước lạc và an bình. Hình dáng Cầu Ước cũng gợi nhắc đến nụ cười hỉ hả, vô ưu của Di Lặc Bồ Tát.
Cầu Ước chính là cầu nối, dẫn bước vạn vật và con người đến với thế giới tâm linh màu nhiệm, đến gần hơn với Di Lặc Bồ Tát, cảm nhận nguồn năng lượng hoan hỉ, đức từ bi vô biên của Ngài.
Con đường dẫn du khách xuống Cầu Ước được thiết kế tựa như một hang động tự nhiên, với những đường cong uốn lượn mê hoặc và huyền bí. Hai bên lối đi là 72 bức tượng chú tiểu an nhiên, hoan hỉ, đưa du khách đến với thế giới hỉ lạc, vô ưu.